HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THẦU XÂY DỰNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

31/05/2020
659

Nhà thầu nước ngoài thường gặp khó khăn khi tìm hiểu, tham gia hoạt động đấu thầu tại Việt Nam vì phạm vi hoạt động đấu thầu rộng và nhiều văn bản, quy định liên quan. Trong bài viết này, VPLS Duy Ích giới thiệu đến thương nhân nước ngoài một số quy định của pháp luật Việt Nam về nhà thầu xây dựng nước ngoài (Nhà thầu nước ngoài).

Nhiều thương nhân nước ngoài vì một số lý do không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng có thể lựa chọn hình thức trở thành nhà thầu nước ngoài, tham gia đấu thầu để thực hiện các dự án và các công việc kinh doanh khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài thường gặp khó khăn khi tìm hiểu, tham gia hoạt động đấu thầu tại Việt Nam vì phạm vi hoạt động đấu thầu rộng và nhiều văn bản, quy định liên quan.

Trong bài viết này, VPLS Duy Ích giới thiệu đến thương nhân nước ngoài một số quy định của pháp luật Việt Nam về nhà thầu xây dựng nước ngoài (Nhà thầu nước ngoài).

Nhà thầu nước ngoài: Là pháp nhân thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật tại quốc gia sở tại, có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh, nhà thầu phụ.

Nhà thầu nước ngoài có thể tham gia các hoạt động xây dựng như:

- Lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng;

- Thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Bảo hành, bảo trì công trình xây dựng;

- Cung cấp vật tư - thiết bị công nghệ kèm theo dịch vụ kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng;

- Các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

Để tham gia với tư cách nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư;

- Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu Việt Nam không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.

Khi đáp ứng các điều kiện trên, nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải thực hiện:

- Lập văn phòng điều hành tại tỉnh/thành phố nơi có dự án trúng thầu.

- Đăng ký con dấu, mã số thuế, tài khoản ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng.

- Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.

Giấy phép hoạt động xây dựng hết hiệu lực khi hợp đồng thầu đã hoàn thành và được thanh lý. Nếu thương nhân nước ngoài tham gia dự án khác tại Việt Nam phải làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng với vai trò nhà thầu nước ngoài cho dự án đó.

 

Trên đây là một số nội dung tư vấn của VPLS Duy Ích dành cho thương nhân nước ngoài tham gia với tư cách nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng. Khách hàng vui lòng liên hệ với Văn phòng Luật sư Duy Ích chúng tôi để được cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý dành cho nhà đầu tư nước ngoài một cách chính xác và nhanh chóng.

+84 925 168 999